Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, bên cạnh việc phát triển, tăng trưởng kinh tế thì thực trạng buôn bán sản xuất hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp. Đa số người dân, cũng như chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn chưa nắm rõ hết xâm phạm nhãn hiệu là gì và pháp luật quy định như thế nào về xâm phạm nhãn hiệu.
Xem thêm: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, các hành vi sau đây được thực hiện mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa , dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.
- Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.
- Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên ầm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Nhắc đến thực phẩm chức năng chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ, không ai không biết đến sản phẩm mang nhãn hiệu “Bảo Xuân, hình” của Công ty Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân. Nhãn hiệu “ Bảo Xuân, hình” được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ số 172843 ngày 03/10/2011. Tuy nhiên vào năm 2012, trên thị trường xuất hiện nhãn hiệu “Bảo Xinh, hình” của Cơ sở Ngân An cho sản phẩm làm đẹp của phụ nữ. Nhãn hiệu “Bảo Xinh, hình” bị Cục sở hữu từ chối cấp văn bằng bảo hộ do dấu hiệu “Bảo Xinh, hình” trình bày trên bao gói kem dưỡng trắng da ngừa mụn của cơ sở Ngân An là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Bảo Xuân, hình” của Công ty TNHH Ích Nhân.
Từ ví dụ trên ta có thể thấy được phần nào là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Theo quy đinh Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết về các yếu tố bị coi là xâm phạm nhãn hiệu, cụ thể:
- Yếu tố xâm phạm
Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo, và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.
- Căn cứ để xem xét các yêu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Căn cứ để xem xét các yếu tố xâm phạm quyền với nhãn hiệu là phạm vi bảo hộ nhãn hiệu, gồm mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam.
- Điều kiện để xác định yếu tố xâm phạm
Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau:
- Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó có một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghị ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ về hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.
- Dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm đối với nhãn hiệu nổi tiếng:
- Các dấu hiệu đáp ứng các 2 điều kiện giống dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu được thuộc phạm vi bảo hộ được nêu trên được xem là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng. Ngoài ra, hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng với nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thì cũng được xem là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng.
Các chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu:
Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định các chế tài xử phạt các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, từ cảnh cáo, phạt hành chính, tịch thu hàng hóa giả mạc nhãn hiệu, tức chứng chỉ hành nghề và các giấy phép hoạt động kinh doanh khác.
Một số biện pháp khắc phục hậu quả như:
- Buộc loại bỏ hoặc tiêu hủy yếu tố vi phạm, thay đổi thông tin hoặc trả lại tên miền, đổi tên doanh nghiệp hoặc loại bỏ những yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp;
- Buộc đưa những sản phẩm, dịch vụ vi phạm vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại sau khi đã loại bỏ những yếu tố vi phạm và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ sở hữu nhãn hiệu.
- Đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sẽ bị đưa ra khỏi Việt Nam, hoặc buộc tái xuất với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa.
- Nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm, hàng hoá, dịch vụ xâm phạm đó sẽ bị tiêu hủy.
Bên cạnh đó sẽ có những mức phạt tài chính cụ thể dựa trên việc kiểm định giá trị kinh tế mà sự xâm phạm nhãn hiệu đó gây nên cho chủ sở hữu cũng như người tiêu dùng.
Việc nắm rõ các quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu cũng như các chế tài xử phạt sẽ giúp các chủ sở hữu nhãn hiệu bảo vệ được quyền của mình đối với nhãn hiệu cũng như tránh việc xâm phạm tới quyền đối với nhãn hiệu của chủ thể khác trong quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.