Ngày 19/06/2020, Công ty TNHH Nghiên cứu Đầu tư S&D phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội và Ủy ban nhân dân xã Nam Phương Tiến tổ chức hội thảo thảo luận, lấy ý kiến xây dựng mẫu nhãn hiệu, quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu, bộ tiêu chí sản phẩm và xác định vùng bản đồ mang nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gạo Japonica xã Nam Phương Tiến.
1.Nội dung buổi hội thảo
Tiếp sau cuộc khảo sát thực tế về hiện trạng sản xuất, kinh doanh gạo Japonica cũng như nhu cầu xây dựng thương hiệu gạo của lãnh đạo xã, hợp tác xã và người dân xã Nam Phương Tiến, Công ty S&D INVEST đã chuẩn bị nội dung dự thảo xác lập Nhãn hiệu tập thể, đồng thời tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về vấn đề này.
Hội thảo được tổ chức tại Hội trường Ủy ban Nhân dân xã Nam Phương Tiến, với sự tham gia của ông Ngô Đình Giang – Đại diện Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, ông Nguyễn Chiến Thắng – Đại diện HĐND, UBND xã Nam Phương Tiến, Bà Vũ Thị Huyền – Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Nam Phương Tiến, trưởng thôn thuộc xã Nam Phương Tiến và hộ dân sản xuất, kinh doanh gạo japonica tại địa phương.
Các nội dung được đưa ra trong hội thảo xoay quanh các vấn đề cần thống nhất để hoàn thiện hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, bao gồm:
♦ Thứ nhất, tên nhãn hiệu: Theo như ý kiến được thu thập từ cuộc khảo sát trước đó, Các tên được dự kiến đăng ký bảo hộ gồm:
+ Gạo Japonica Nam Phương Tiến
+ Gạo Japonica Nam Phương Tiến, Chương Mỹ
+ Gạo Japonica Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội
♦ Thứ hai, mẫu nhãn hiệu: Dựa trên ý tưởng của lãnh đạo xã, người dân, cũng như văn hóa, biểu tượng của địa phương và các quy định về mẫu nhãn hiệu theo pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, S&D INVEST đã thiết kế 08 mẫu nhãn hiệu để lựa chọn trong buổi hội thảo.
♦ Thứ ba, xác định vùng bản đồ mang nhãn hiệu tập thể
♦ Thứ tư, xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể: dự thảo được xây dựng dựa trên quy định pháp luật sở hữu trí tuệ, đặc thù sản xuất, kinh doanh của Chủ sở hữu nhãn hiệu – Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Nam Phương Tiến
♦ Thứ năm, xây dựng Bộ tiêu chí sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể: xây dựng dựa trên kết quả phân tích mẫu gạo Japonica sản xuất tại xã.
2.Thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội thảo
♦ Thứ nhất, tên nhãn hiệu
Nhằm phát huy tốt nhất vai trò chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ, nhiều đại biểu tham dự lựa chọn tên “Gạo Japonica Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội”. Ông Ngô Đình Giang – Đại diện Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội nêu phương án khác “Gạo Japonica Hữu cơ Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội”. Theo ông Giang, tên nhãn hiệu như vậy sẽ khẳng định được giá trị gạo Japonica Nam Phương Tiến, đồng thời thúc đẩy phát triển chất lượng gạo địa phương. Ý kiến nêu ra được đông đảo mọi người tán thành.
♦ Thứ hai, mẫu nhãn hiệu
Đây là nội dung vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ xác lập nhãn hiệu tập thể, bởi mẫu nhãn hiệu sẽ được sử dụng trực tiếp trên hàng hóa, trong giao dịch, quảng bá sản phẩm, là biểu tượng cho chất lượng và danh tiếng sản phẩm gạo Japonica Nam Phương Tiến. Sau khi lấy ý kiến biểu quyết, mẫu số 04 được đa số người dân lựa chọn. Ông Nguyễn Chiến Thắng – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Phương Tiến, cho rằng nhãn hiệu cần phải gây ấn tượng và thể hiện được đặc trưng về mặt văn hóa, địa lý của địa phương. Do vậy, ông Thắng đề nghị bổ sung hình ảnh đồi núi – đặc trưng điều kiện tự nhiên của xã vào mẫu nhãn hiệu.
♦ Thứ ba, xác định vùng bản đồ mang nhãn hiệu tập thể: Các đại biểu tham dự thống nhất ý kiến khu vực mang nhãn hiệu tập thể sẽ khoanh vùng toàn bộ địa bàn xã Nam Phương Tiến
♦ Thứ tư, xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể, Bộ tiêu chí sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể: Dự thảo đề xuất của S&D INVEST được tất cả mọi người tán thành.
Buổi hội thảo diễn ra sôi nổi, cởi mở và kết thúc thành công, hầu hết các nội dung quan trọng được thống nhất, qua đó dần hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị cho việc tiến hành đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
3.Dịch vụ Bảo hộ thương hiệu của S&D INVEST
Xây dựng, phát triển thương hiệu đặc sản quê hương, góp phần thúc đẩy nền kinh tế và quảng bá những giá trị tinh thần tốt đẹp của địa phương là mục tiêu mà S&D INVEST hướng đến trong mỗi dự án Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh Dự án xác lập nhãn hiệu tập thể gạo phục vụ Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica hàng hóa, chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu thành phố Hà Nội đến năm 2020, S&D INVEST đã thực hiện nhiều dự án khác như:
◊ Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Mây tre đan Xuân Hội dùng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ mây, tre của làng nghề truyền thống xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du.
◊ Nghiên cứu xây dựng Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2020”
◊ Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho 01 sản phẩm nông nghiệp và 02 sản phẩm làng nghề của huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
◊ Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cá sạch HTX Trường Mạnh-Thuận Thành-Bắc Ninh” dùng cho các sản phẩm cá của HTX Chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, về bảo hộ thương hiệu nói riêng cũng như khả năng tổ chức thực hiện nhiều dự án sở hữu trí tuệ, Công ty Nghiên cứu và Đầu tư S&D tự tin trở thành đối tác tin cậy, uy tín cho các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức.